Tiền Giang: Phát triển du lịch theo hướng bền vững

08-05-2025

Với nhiều lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên và văn hóa, Tiền Giang đang tập trung xây dựng chiến lược phát triển du lịch bền vững, lấy du lịch sinh thái, văn hóa – lịch sử và du lịch cộng đồng làm trọng tâm.

Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Tiền Giang là điểm đến lý tưởng cho những chuyến du lịch ngắn ngày hoặc kết hợp tuyến với các tỉnh khác trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Với hạ tầng giao thông kết nối thuận tiện, cùng cảnh quan sông nước đặc trưng là lợi thế lớn giúp tỉnh phát triển mạnh loại hình du lịch sinh thái miệt vườn.

Không chỉ có tài nguyên tự nhiên, Tiền Giang còn là vùng đất mang đậm bản sắc văn hóa Nam bộ. Từ lối sống chân chất, hiếu khách của người dân đến các sinh hoạt gắn với sông nước như đờn ca tài tử, đi xuồng ba lá, tát mương bắt cá, tham quan chợ nổi và làng nghề truyền thống… đều trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, Tiền Giang, còn nổi tiếng là vùng đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng.

a9593782b07d02235b6c.jpg

Tiền Giang hiện sở hữu 185 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng, gồm 3 di tích quốc gia đặc biệt, 17 di tích quốc gia và 165 di tích cấp tỉnh; 6 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 2 di sản quốc gia (Lễ hội Trương Định và Đờn ca tài tử), 4 di sản văn hóa cấp tỉnh (Lễ hội Làng cổ Đông Hòa Hiệp, Lễ hội Kỳ Yên Đình Long Trung, Lễ hội Kỳ Yên Đình Vĩnh Bình và Lễ hội Tứ Kiệt.

Nhiều di tích tiêu biểu tại Tiền Giang đã thu hút đông đảo du khách như Di tích lịch sử Rạch Gầm - Xoài Mút, Di tích chiến thắng Ấp Bắc, các địa điểm khởi nghĩa Trương Định, Đền thờ Thủ Khoa Huân, Di tích khảo cổ Óc Eo - Gò Thành. Đặc biệt, làng cổ Đông Hòa Hiệp được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 2017, đây là điểm sáng trong khai thác di tích gắn với phát triển du lịch.

Thời gian qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tại tỉnh Tiền Giang được các cấp, các ngành ở địa phương đặc biệt quan tâm. Nhiều di tích được đầu tư trùng tu, tôn tạo như: Đình Tân Đông, Lăng Hoàng Gia (Gò Công), Đền thờ Trương Định (huyện Gò Công Đông), Di tích Lũy Pháo Đài (huyện Tân Phú Đông)… Các công trình này không chỉ giữ vai trò bảo tồn lịch sử mà còn trở thành điểm đến mang giá trị văn hóa - giáo dục cao.

Tỉnh cũng chú trọng gắn kết du lịch với phát triển làng nghề truyền thống tiêu biểu như bánh phồng Cái Bè, dệt chiếu Long Định, hủ tiếu Mỹ Tho, tủ thờ Gò Công… đang được hỗ trợ nâng cao chất lượng dịch vụ, xây dựng thành điểm dừng chân hấp dẫn trong các tour du lịch trải nghiệm văn hóa địa phương.

Năm 2024, du lịch Tiền Giang ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực khi thu hút hơn 1,65 triệu lượt khách, tăng 18% so với năm trước. Trong đó, khách quốc tế đạt hơn 581.000 lượt, tăng 24,6%. Quý I/2025 tiếp tục cho thấy đà tăng trưởng khi đón gần 502.000 lượt khách (tăng 2,8% so với cùng kỳ); trong đó, khách quốc tế trên 182.000 lượt, với doanh thu đạt 376 tỷ đồng (tăng 3,5% so với cùng kỳ).

Những kết quả trên cho thấy sự hồi phục mạnh mẽ của ngành du lịch sau đại dịch, đồng thời khẳng định sức hút của Tiền Giang với vai trò là điểm đến có tài nguyên thiên nhiên và văn hóa phong phú, đa dạng.

Từng bước khẳng định vị thế

Xác định đầu tư hạ tầng là yếu tố then chốt để phát triển du lịch bền vững. Theo đó, tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, Tiền Giang tập trung đầu tư 4 trung tâm du lịch trọng điểm gồm: Khu du lịch Cái Bè, Cù lao Thới Sơn, biển Tân Thành và Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười. Nhiều dự án đã được triển khai hiệu quả như: tuyến du lịch sinh thái gắn với Quảng trường tỉnh, chùa Vĩnh Tràng, làng nghề hủ tiếu Mỹ Tho; phát triển Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác gắn với du lịch tâm linh sinh thái tại Tân Phước; mở rộng tuyến du lịch biển Tân Thành và kết nối với các điểm đến lân cận như: Vĩnh Long, Bến Tre…

Tỉnh cũng đẩy mạnh hợp tác liên tỉnh, liên kết vùng để xây dựng tour tuyến liên hoàn. Các khu du lịch Thới Sơn, Cái Bè đang được kết nối với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh ĐBSCL thông qua các chương trình xúc tiến du lịch chung, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng thị trường và sản phẩm.

Để du lịch phát triển bền vững, Tiền Giang xác định các định hướng chiến lược trong giai đoạn tới như cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, ưu tiên thu hút các nhà đầu tư chiến lược tham gia vào các dự án trọng điểm về du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ và cơ sở hạ tầng. Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù: Tập trung vào các loại hình du lịch sinh thái, văn hóa – lịch sử, tâm linh và du lịch nông nghiệp gắn với nông thôn mới. Khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng, khai thác tối đa giá trị bản địa.

Chuyển đổi số trong quản lý và quảng bá du lịch: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giới thiệu điểm đến, xây dựng hệ sinh thái số phục vụ du khách, doanh nghiệp và nhà quản lý. Tăng cường liên kết vùng và quốc gia: Chủ động tham gia các liên minh du lịch vùng, phối hợp với các địa phương trọng điểm như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng... để mở rộng thị trường, trao đổi kinh nghiệm và cùng phát triển sản phẩm.

Ngoài ra, chú trọng công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao: Tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, ngoại ngữ, kỹ năng cho đội ngũ lao động ngành du lịch. Hướng tới xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên, nhân viên du lịch chuyên nghiệp, am hiểu văn hóa địa phương. Hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch...

Với tiềm năng sẵn có và chiến lược phát triển bài bản, du lịch Tiền Giang đang từng bước khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn, thân thiện.

Phan Phương

Nguồn: https://daibieunhandan.vn/tien-giang-phat-trien-du-lich-theo-huong-ben-vung-10371646.html

Quay lại