Lịch sử hình thành

25-10-2022

Bối Cảnh Ra Đời Của Hiệp Hội:

Bên cạnh sự yếu kém về hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng kỹ thuật dịch vụ, số lượng chất lượng nguồn nhân lực; sự đơn điệu, trùng lắp của sản phẩm du lịch; nhiều hạn chế trong công tác xúc tiến quảng bá du lịch, sự bị động thiếu nhạy bén của một bộ phận cán bộ quản lý Nhà nước và của cả doanh nghiệp du lịch trên địa bàn cũng là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc chậm phát triển du lịch.

- Ngày 07/6/2006 Ông Võ Hùng Dũng (giám đốc chi nhánh phòng Thương Mại& Công Nghiệp Việt Nam tại Cần Thơ) có văn bản đề nghị Tổng Cục Du lịch Việt Nam phê duyệt danh sách Ban vận động thành lập Hiệp hội Du lịch ĐBSCL.

- Ngày 13/2/2008 Bộ Nội Vụ ra quyết định số 104/QĐBNV V/v cho phép thành lập Hiệp hội Du lịch ĐBSCL.

- Ngày 01/4/2009 Bộ Nội Vụ ra quyết định số 545/QĐBNV V/v phê duyệt bản điều lệ Hiệp hội Du lịch ĐBSCL (thông qua dự thảo lần 5) Hiệp hội chính thức đi vào hoạt động.

Tôn chỉ mục đích:

- Tên tiếng Việt: Hiệp hội Du lịch ĐBSCL

- Tên tiếng Anh: Mekong delta tourism association

- Tên viết tắt tiếng Anh: MDTA

Tôn chỉ mục đích:

Hiệp hội Du lịch ĐBSCL (sau đây gọi tắt là Hiệp hội) là tổ chức xã hội- nghề nghiệp của các cá nhân, tổ chức của Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực du lịch thuộc khu vực ĐBSCL và các địa bàn khác có liên quan (sau đây gọi tắt là hội viên) tự nguyện thành lập không vụ lợi, nhằm mục đích: phối hợp các hoạt động của các hội viên để nâng cao hiệu quả hoạt động quảng bá, kinh doanh, dịch vụ, hợp tác quốc tế và phát triển kinh tế trong lĩnh vực du lịch thuộc khu vực ĐBSCL nói riêng và các khu vực khác có liên quan trong phạm vi cả nước nói chung; đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các hội viên; phát triển nhanh và bền vững ngành các loại hình kinh doanh các sản phẩm du lịch, góp phần xây dựng và phát triển bền vững ngành du lịch Việt Nam nói chung và ngành du lịch ĐBSCL nói riêng, qua đó góp phần thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước.

Nhiệm vụ của Hiệp hội:

+ Tập hợp, đoàn kết các thành viên trong Hiệp hội để xây dựng, phát triển Hiệp hội vững mạnh, thực hiện đúng tôn chỉ mục đích của Hiệp hội.

+ Đại diện, làm đầu mối cho hội viên, kiến nghị với các cơ quan Nhà nước các cấp về chủ trương, chính sách, khuyến khích phát triển du lịch khu vực ĐBSCL.

+ Bảo vệ quyền lợi hợp pháp và tổ chức giúp đỡ hội viên theo khả năng của Hiệp hội trong khuôn khổ pháp luật của Nhà nước. Tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận với các tổ chức quốc tế theo quy định của pháp luật nhằm thúc đẩy cho sự phát triển du lịch.

+ Tư vấn pháp luật và nghiệp vụ chuyên môn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho hội viên.

+ Cập nhật và cung cấp cho hội viên về chính sách, pháp luật, chủ trương của nhà nước, giúp các hội viên phòng tránh được các rủi ro trong công tác tổ chức, hoạt động và phát triển du lịch trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

+ Tổ chức các lớp tập huấn đào tạo, tư vấn về nghiệp vụ, khoa học, công nghệ, cách thức quản lý mới, kỹ năng, kỹ xảo nghề nghiệp cho hội viên.

+ Tổ chức các hoạt động dịch vụ đúng chức năng, nhiệm vụ Hiệp hội theo quy định pháp luật để tạo nguồn thu cho Hiệp hội.

+ Mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức trong nước và quốc tế trong lĩnh vực du lịch.

+ Quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí của Hiệp hội đúng pháp luật.

+ Xuất bản các ấn phẩm (nếu có) của Hiệp hội theo quy định pháp luật.

+ Thực hiện các công việc khác khi được cơ quan nhà nước yêu cầu.

Quyền hạn của Hiệp hội:

+ Đại diện cho hội viên trong các quan hệ đối nội, đối ngoại.

+ Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Hội viên, hòa giải tranh chấp trong nội bộ Hiệp hội.

+ Tham gia ý kiến vào các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động của Hiệp hội theo quy định pháp luật.

+ Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các vấn đề liên quan tới sự phát triển của Hiệp hội theo quy định pháp luật.

+ Được lập và gây quỹ của Hiệp hội trên cơ sở hội phí của hội viên và các nguồn thu từ hoạt động dịch vụ, được nhận các nguồn tài trợ hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định pháp luật.

+ Được tham gia ký kết và thực hiện các thỏa thuận với các tổ chức quốc tế, các hoạt động quốc tế trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của Hiệp hội.

+ Chủ trì phối hợp giữa các hội viên trong việc chủ động tìm kiếm nguồn lực, xây dựng phát triển du lịch.

+ Thành lập và giải thể các tổ chức trực thuộc Hiệp hội.

+ Khen thưởng các hội viên có thành tích trong các hoạt động về xây dựng phát triển ngành du lịch ĐBSCL.

Phương thức hoạt động của Hiệp hội:

+ Thông qua cơ cấu tổ chức bộ máy trực thuộc Hiệp hội và thực hiện sự phối hợp với các địa phương, sự hợp tác với các tổ chức trong, ngoài nước theo điều lệ Hiệp hội để góp phần đạt mục tiêu, hiệu quả xây dựng, phát triển du lịch khu vực ĐBSCL.

+ Tổ chức các hội nghị, hội thảo, xuất bản các ấn phẩm theo quy định của pháp luật để kiến nghị với nhà nước trong việc ban hành chính sách sao cho phù hợp với thực tiễn phát triển ngành du lịch trên địa bàn khu vực ĐBSCL.

Phương hướng hoạt động Hiệp hội Du lịch ĐBSCL:

Nhiệm kỳ 2008- 2011: (đã được thông qua tại Đại hội thành lập Hiệp hội Du lịch ĐBSCL ngày 06/6/2008)

Nhiệm kỳ 2008- 2011 là nhiệm kỳ đầu tiên của Hiệp hội, do vậy Hiệp hội tập trung thực hiện các công việc chính như sau:

1/- Công tác tổ chức bộ máy của Hiệp hội:

- Hoàn chỉnh các quy chế hoạt động của Ban chấp hành, Ban kiểm tra, văn phòng Hiệp hội, quy chế quản lý tài chính, tài sản của Hiệp hội.

- Phân công Ủy viên Ban chấp hành phụ trách các ban chuyên môn.

- Xây dựng tổ chức bộ máy văn phòng Hiệp hội đủ năng lực triển khai các hoạt động của Hiệp hội.

- Xây dựng Logo, phát giấy chứng nhận, thẻ hội viên Hiệp hội và vận động kết nạp hội viên bao gồm (hội viên danh dự, hội viên chính thức, hội viên liên kết), là nhiệm vụ thường xuyên của Hiệp hội.

2/- Triển khai công tác đối ngoại liên kết:

- Tham gia cùng cơ quan chuyên môn các địa phương quy hoạch phát triển ngành du lịch.

- Thành lập văn phòng đại diện hoặc các Hiệp hội Du lịch địa phương tại các trung tâm lớn để quảng bá xúc tiến du lịch.

- Tiếp cận với các tổ chức du lịch trong, ngoài nước, tham gia thành viên VCCI Cần Thơ, Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VTA), Hiệp hội Du lịch Châu Á Thái Bình Dương (PATA) … để có điều kiện cung cấp thông tin và định hướng phát triển.

3/- Triển khai các hoạt động liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp hội viên.

- Xây dựng hệ thống thông tin chung làm cơ sở phân tích điểm mạnh yếu của ngành du lịch, nghiên cứu và đề xuất những vấn đề liên quan đến phát triển ngành du lịch ĐBSCL

- Xây dựng các tiêu chuẩn cho doanh nghiệp du lịch tại ĐBSCL như xếp hạng, đánh giá, tổ chức bình chọn doanh nghiệp kinh doanh tốt nhất trong các lĩnh vực: lữ hành, khách sạn, nhà hàng, điểm du lịch… nhằm tạo sự cạnh tranh, nâng cao chất lượng phục vụ du khách, hướng các doanh nghiệp phấn đấu đạt tiêu chí đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành du lịch.

- Phối hợp với các địa phương, đăng cai hội nghị quốc gia, quốc tế về du lịch nhằm thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp, cá nhân trong, ngoài nước.

- Đẩy mạnh công tác phát triển hội viên xem đây là công tác trọng tâm thường xuyên.

4/- Đẩy mạnh quảng bá và đào tạo cán bộ.

- Xây dựng website Hiệp hội Du lịch ĐBSCL (www.mdta.com.vn) bằng 2 ngôn ngữ: Việt- Anh, thực hiện tạp chí truyền hình Du lịch đất 9 Rồng.

- Phối hợp các trường Đại học, trường đào tạo nghiệp vụ du lịch… đào tạo, tập huấn các lớp nghiệp vụ du lịch, ngắn hạn, dài hạn đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch ĐBSCL trong thời gian tới.

- Phối hợp các tổ chức trong và ngoài nước: tôn tạo trùng tu các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa của địa phương.

- Cùng các cơ quan nhà nước tuyên truyền và nâng cao ý thức cộng đồng để tạo hình ảnh, ấn tượng đẹp với du khách, xây dựng ý thức bảo vệ tài nguyên môi trường thiên nhiên và môi trường văn hóa tại địa phương.

Kết quả hoạt động từ đại hội đến nay:

Hiệp hội chính thức hoạt động từ tháng 5 năm 2009 đến nay (10/9/2009) kết quả như sau:

1/- Về công tác tổ chức.

- Tổ chức 2 cuộc hội nghị Ban chấp hành (lần II, lần III) tại Vĩnh Long và Đồng Tháp đã thông qua các vấn đề quan trọng của Hiệp hội như:

+ Các quy chế hoạt động của: Ban chấp hành, Ban kiểm tra, 4 Ban chuyên môn, Văn phòng Hiệp hội, quản lý tài sản tài chính Hiệp hội.

+ Quyết định mức đóng lệ phí, hội phí đối với Hội viên

+ Quyết định về Logo Hiệp hội, giấy chứng nhận, thẻ hội viên Hiệp hội.

+ Quyết định kế hoạch tài chính đến cuối năm 2009 của Hiệp hội

+ Quyết định kế hoạch hoạt động 9 tháng cuối năm 2009 của Hiệp hội.

+ Thông qua tiêu chí bình chọn điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL .

- Nhóm thường trực, thường xuyên hội ý nhằm triển khai các quyết định của Ban chấp hành.

2/- Các hoạt động chính.

- Thường trực Hiệp hội đã tổ chức 2 cuộc khảo sát tình hình du lịch 6 tháng đầu năm 2009 của 2 tỉnh Kiên Giang và Cà Mau, có sự tham dự của UBND, Sở VH- TT & DL và các doanh nghiệp du lịch tại địa phương.

- Tổ chức thành công lễ ký kết chương trình hợp tác phát triển du lịch 4 địa phương vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL nhằm thực hiện quyết định số 492 của Thủ Tướng chính phủ vào ngày 30/7/2009 gồm: Tp Cần Thơ, tỉnh An Giang, tỉnh Kiên Giang, tỉnh Cà Mau, làm động lực phát triển du lịch vùng ĐBSCL.

- Tổ chức gian hàng Hiệp hội Du lịch ĐBSCL tại hội chợ triển lãm Quốc tế Cần Thơ từ ngày 06 đến 12/8/2009 có 12 hội viên doanh nghiệp du lịch tham gia.

- Vận động xây dựng 01 căn nhà đồng đội, 01 căn nhà tình thương trị giá 40 triệu đồng.

3/- Công tác hội viên và tổ chức.

- Đến ngày 15/9/2009 đăng ký và kết nạp hội viên như sau:

+ Hội viên chính thức: 60 hội viên (54 doanh nghiệp, 6 cá nhân)

+ Hội viên danh dự: 4

+ Hội viên liên kết: 2

- Xây dựng thêm 2 Hiệp hội Du lịch địa phương:

+ Hội du lịch Phú Quốc, Kiên Giang

+ Hiệp hội du lịch tỉnh Tiền Giang

4/- Công tác tài chính.

Ngoài thu lệ phí, hội phí hội viên Hiệp hội đã nhận được sự tài trợ của: UBND Tp Cần Thơ, các Công ty, Doanh nghiệp tại Tp.HCM, Tp.Cần Thơ và nhà tài trợ chính là Cty Cổ Phần TV-TM- DV Địa ốc Hoàng Quân.

Một số công tác tập trung từ nay đến cuối năm 2009, gồm 9 công việc cụ thể như sau:

1/- Thành lập và tham gia Ban điều phối xây dựng quy chế phối hợp, thực hiện chương trình hợp tác phát triển du lịch 4 tỉnh, TP vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL. Đây là một nội dung quan trọng nhằm liên kết hợp tác thúc đẩy phát triển Du lịch vùng ĐBSCL .

2/- Liên kết đào tạo với 2 đơn vị:

+ Cty Tư Vấn Việt Nam- VCG EDUCATION

+ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ)

- Tổ chức hội thảo: Doanh nghiệp du lịch: Những kinh nghiệm và giải pháp vượt suy thoái (tại Tp. Hồ Chí Minh)

- Mở lớp đào tạo ngắn hạn về quản trị du lịch: Những giải pháp cho việc đào tạo nhân lực và tổ chức kết nối cho ngành du lịch ĐBSCL (tại Tp. Cần Thơ)

- Tổ chức chuyến du khảo Malaysia kết hợp tập huấn tại tập đoàn GENTING và đặt quan hệ hợp tác với Hiệp hội Du lịch Malaysia.

3/- Xây dựng và phát hành tiêu chỉ bình chọn điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL,lập hội đồng và xét công nhận vào cuối năm 2009.

4/- Triển khai hoạt động của 4 Ban chuyên môn của Hiệp hội.( kế hoạch nhiệm kỳ 2008-2011 và kế hoạch từng năm).

5/- Hoàn thành tập kỷ yếu của Hiệp hội. Thực hiện tạp chí truyền hình “Đất 9 Rồng” trên đài phát thanh truyền hình Tp.Cần Thơ và đài các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL; nâng cấp và đưa vào hoạt động chính thức website mdta.vn, tham gia và vận động doanh nghiệp cùng tham gia các lễ hội, hội chợ triễn lãm du lịch trong và ngoài khu vực, tham gia phát biểu tại hội thảo Di sản văn hóa Hà Tiên và hội thảo Liên kết phát triển du lịch Đồng bằng- Biển đảo (tại Kiên Giang)

6/- Tiến hành xây dựng tập bản đồ du lịch ĐBSCL, bằng phương thức vận động các đơn vị tài trợ (hợp tác với Cty TNHH Thông Tin Lữ Hành Mekong).

7/- Thường trực Hiệp hội khảo sát tình hình hoạt động du lịch 1 số dịa phương vùng ĐBSCL… để làm cơ sở tổ chức hội thảo về “ Cơ chế chính sách phát triển Du lịch ĐBSCL”

8/- Thường xuyên quan tâm công tác hội viên: hoàn thành thủ tục đăng ký hội viên, cấp thẻ, giấy chứng nhận hội viên, đồng thời vận động các đơn vị tổ chức và cá nhân liên quan đến hoạt động du lịch, đủ điều kiện để kết nạp hội viên. Hướng dẫn và phối hợp tổ chức thành lập Hiệp hội Du lịch tại một số địa phương đủ điều kiện.

9/- Chuẩn bị tốt các nội dung hội nghị Ban chấp hành và tổng kết năm 2009.

Chủ Tịch HHDL ĐBSCL

Quay lại