Lời giải cho “bài toán” trùng lắp của du lịch Đồng bằng Sông Cửu Long

10-04-2024

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tuy có nhiều điều kiện phát triển du lịch nhưng nhìn chung tốc độ phát triển thời gian qua chưa như kỳ vọng, trong đó có những hạn chế khó khăn về xây dựng, phát triển tour, tuyến và sản phẩm du lịch đặc thù.

Khu vực ĐBSCL có hệ sinh thái đa dạng và phong phú, gồm: biển, đảo, cửa sông, rừng ngập mặn, cù lao châu thổ, với nhiều khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên có tính đa dạng sinh học cao. Bên cạnh đó, ĐBSCL còn có hơn 735km bờ biển và hơn 150 hòn đảo lớn, nhỏ với nhiều bãi tắm hoang sơ… Đây là những tài nguyên du lịch rất quý giá mà hiếm vùng đất nào có được. Chính những ưu thế về tài nguyên thiên nhiên phong phú, kết hợp với nền văn hóa đặc sắc, da dạng và phong phú đã tạo nên bản sắc văn hóa của vùng miền Tây sông nước, góp phần làm nên sản phẩm du lịch đa dạng và đặc thù. Tiềm năng, thế mạnh là vậy, tuy nhiên, du lịch vùng ĐBSCL vẫn hiện hữu những nút thắt và thực trạng “mạnh ai nấy làm” và tư duy “không có mợ, chợ vẫn đông” vẫn đang tồn tại.

Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL nhìn nhận, tiềm năng du lịch vùng còn chưa được đầu tư đúng mức cũng như khai thác có hiệu quả nhất. Cách làm du lịch vẫn còn mang nặng tính tự phát, thiếu chuyên nghiệp. Các sản phẩm du lịch chủ yếu dựa vào thiên nhiên, khai thác những gì sẵn có mà thiếu sự đầu tư dài hạn, thiếu sự liên kết. Do tính tương đồng về tài nguyên du lịch, hầu hết các địa phương đều tổ chức khai thác các sản phẩm chính này nên các giá trị đặc thù chưa được khai thác phù hợp, tạo ra sự khác biệt của từng địa phương, giá trị và tính hấp dẫn tương quan trong vùng và trong cả nước.

Chợ nổi tại ĐBSCL

Ở một khía cạnh khác, Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp cho rằng, du lịch ĐBSCL chưa thật sự có “nhạc trưởng”, mặc dù thời gian qua Hiệp hội Du lịch ĐBSCL đã có nhiều nỗ lực, là một trong những hiệp hội nghề nghiệp được xem là hình mẫu cho hoạt động du lịch ở các vùng du lịch khác, nhưng hoạt động vẫn còn nhiều hạn chế, trở ngại.

Với góc nhìn của một doanh nghiệp lữ hành, bà Lê Đình Minh Thy, Giám đốc Vietravel Chi nhánh Cần Thơ cho rằng, du lịch ĐBCSL đang thiếu quan tâm đến cảm nhận, mong muốn và nhu cầu của du khách. Các chủ đầu tư du lịch ít quan tâm đến việc công trình có giữ được cảnh quan và chiếm được cảm tình du khách hay không và ít khi ghi nhận, lắng nghe ý kiến phản hồi từ du khách. Việc đầu tư ồ ạt không bài bản, thiếu chuyên nghiệp, nôn nóng “đổ tiền” vào khai thác tài nguyên thiên nhiên đang đe dọa sự phát triển bền vững của du lịch ĐBSCL. Cùng với đó, vấn đề mất an ninh trật tự, vệ sinh kém tại các điểm đến như: nạn móc túi, cướp giật, chèo kéo, chặt chém, xả rác bừa bãi, thiếu điều kiện vệ sinh công cộng… dẫn đến sự không hài lòng về trải nghiệm của du khách. Sản phẩm du lịch đơn điệu, chậm đổi mới, thiếu sáng tạo và còn trùng lặp giữa các tỉnh, thành, thiếu tính liên kết. Các hoạt động, chương trình vui chơi giải trí về đêm ở miền Tây cũng kém phát triển. Thiếu các sự kiện văn hóa, giải trí quy mô tầm cỡ quốc gia và khu vực.

Công tác xúc tiến quảng bá du lịch còn hạn chế, thiếu chủ động trong việc nghiên cứu và dự báo nhu cầu thị trường. Đưa ra số liệu để chứng minh, Giám đốc Vietravel Chi nhánh Cần Thơ thông tin, hàng năm du lịch Việt Nam chi khoảng 2 triệu USD cho công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, chỉ bằng 2,9% của Thái Lan, 2,5% của Singapore và 1,9% chi phí của Malaysia đã bỏ ra và hiệu quả lại chưa được như mong đợi.

Ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, đến nay, Cần Thơ đã ký kết, hợp tác về du lịch với hơn 20 tỉnh, thành phố trên cả nước. TP Cần Thơ đã và đang tập trung phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch của thành phố, phát huy vai trò là trung tâm vùng của ĐBCSL. Thế nhưng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cũng thẳng thắn nhìn nhận, cùng với các địa phương vùng ĐBSCL, Cần Thơ đang gặp phải những khó khăn thách thức, đó là sản phẩm du lịch và cách làm du lịch khá giống nhau, chưa phát huy hết tiềm năng thế mạnh về sự đặc thù của từng địa phương…

Theo ông Nguyễn Khánh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế Xã hội TP Cần Thơ cho rằng, việc liên kết xây dựng sản phẩm du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện) tại TP Cần Thơ và ĐBSCL là một trong những giải pháp thu hút, phát triển du lịch của vùng. Để phát triển loại hình du lịch MICE, theo ông Tùng, việc đánh giá đúng thực trạng, đặc biệt đề xuất mô hình, giải pháp để cải thiện và phát triển sản phẩm du lịch MICE tại Cần Thơ và liên kết với các tỉnh ĐBSCL trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết và cấp bách.

Bà Cao Thị Ngọc Lan, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, mang tính liên nghành, liên vùng và tính xã hội hóa rất cao.

Trần Lĩnh - CAND.COM.VN

Quay lại