Cù Lao Dung: Đa dạng sản phẩm du lịch từ ba vùng sinh thái nước mặn, lợ và ngọt

26-09-2024

Nằm ở hạ lưu sông Hậu, Cù Lao Dung có hình dáng giống một tam giác, càng ra biển càng lớn dần như đang vươn mình tiến về biển lớn. Cù Lao Dung là đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh Sóc Trăng, diện tích tự nhiên khoảng 245 km² gồm 7 xã và 1 thị trấn; phía Tây Nam giáp huyện Long Phú và huyện Trần Đề qua cửa biển Trần Đề, phía Tây Bắc giáp huyện Kế Sách qua sông Hậu, phía Đông Bắc giáp với tỉnh Trà Vinh qua cửa biển Định An, phía Đông Nam giáp Biển Đông. Cù Lao Dung cách thành phố Cần Thơ - Trung tâm du lịch và điều phối khách du lịch của vùng đồng bằng sông Cửu Long - khoảng hơn 45 km theo đường Quốc lộ Nam sông Hậu (Quốc lộ 91B), cách trung tâm thành phố Sóc Trăng khoảng 20 km theo đường Quốc lộ 60.

Cù Lao Dung vừa có đường bờ biển dài, vừa được bao quanh bởi sông Hậu; cùng với đó là hệ thống kênh rạch dày đặc tạo điều kiện cho giao thông đường thủy phát triển, thuận tiện trong việc đi lại, mua bán, trao đổi hàng hóa và liên kết phát triển du lịch với các địa phương lân cận. Cù Lao Dung có hệ thống đường bộ tương đối hoàn chỉnh với Quốc lộ 60 kết nối với các tỉnh vùng Đông Bắc Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh; Tỉnh lộ 933B - trục giao thông xương sống chạy dài từ đầu đến cuối cù lao cùng nhiều tuyến đường huyện, đường đô thị, đường giao thông nông thôn kết nối đến trung tâm xã và khu, cụm dân cư. Hơn nữa, dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60 đã được khởi công vào tháng 10/2023, sau khi hoàn thành, cầu Đại Ngãi sẽ kết nối huyện đảo Cù Lao Dung với tỉnh Trà Vinh và phần đất liền của tỉnh Sóc Trăng, giúp huyện Cù Lao Dung tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội nói chung và du lịch nói riêng.

Một thế mạnh tự nhiên mang đậm nét đặc trưng của Cù Lao Dung là cảnh quan phong phú, đa dạng được tạo nên từ ba vùng sinh thái nước mặn, lợ và ngọt mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất này. Yếu tố này rất thuận lợi để phát triển đa dạng các loại hình du lịch trên cù lao với sức hút riêng hấp dẫn du khách.

Phía Bắc cù lao được hưởng dòng nước ngọt phù sa của dòng sông Hậu, tạo nên hệ sinh thái nước ngọt điển hình của vùng Đồng bằng sông Cửu Long với vườn cây ăn trái bạt ngàn ở xã An Thạnh Nhất và An Thạnh Tây, gồm nhiều loại cây ăn quả với đa dạng hương vị khác nhau như: Xoài, nhãn, bưởi, cam, măng cụt, mận, dừa… Đến đây, du khách có thể hòa mình vào thiên nhiên, tự tay hái và thưởng thức các loại trái cây, đạp xe tham quan quanh vườn, thưởng thức các món ẩm thực đồng quê được chế biến từ các loài thủy sản nước ngọt như: Tôm càng xanh hấp nước dừa, lươn um lá cách, cá tra, cá ngát nấu canh chua rau đồng… Hơn nữa, du khách có thể tham quan sông nước bằng tàu du lịch, ngắm nhìn cảnh đẹp trên dòng sông Hậu hùng vĩ, trải nghiệm nghỉ tại nhà dân (homestay). Những thế mạnh này góp phần phát triển loại hình du lịch sinh thái sông nước miệt vườn tại xã An Thạnh Nhất và An Thạnh Tây - 1 trong 6 sản phẩm du lịch bổ sung đã được xác định trong Đề án tổng thể phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Xuôi dòng sông Hậu về phía biển, khoảng giữa cù lao là vùng đất chuyển tiếp mang đậm nét hệ sinh thái nước lợ tại xã An Thạnh Nhì, Đại Ân 1 và một phần xã An Thạnh Đông. Nơi đây có sự giao thoa giữa nước mặn của Biển Đông và nước ngọt của sông Hậu. Tuy nhiên, ranh giới vùng nước lợ có thể thay đổi theo mùa (mùa mưa và mùa khô) tùy theo lưu lượng nước của sông Hậu. Nét đặc trưng nơi đây là những cánh đồng mía thênh thang tạo nên thương hiệu cho Cù Lao Dung - địa phương có diện tích trồng mía lớn nhất của tỉnh Sóc Trăng; xen lẫn với mía là những vườn dừa xanh bạt ngàn, những rẫy hoa màu tươi tốt, những ao nuôi tôm và các loài thủy sản nước lợ… Những yếu tố này góp phần thúc đẩy loại hình du lịch nông nghiệp, giúp du khách tìm hiểu về nghề nông, trải nghiệm các hoạt động sản xuất nông nghiệp như cày đất, trồng trọt, tưới tiêu, thu hoạch, chế biến… Bên cạnh đó, du khách được hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên thanh bình, yên ả, tận hưởng những giây phút thư giãn bên cánh đồng quê. Hơn nữa, du khách có thể kết hợp tham quan, tìm hiểu các di tích nổi bật như Đền thờ Bác Hồ - Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia và các di tích cấp tỉnh như: Bia Chiến thắng Rạch Già, Đình Rạch Giồng - địa điểm thành lập Trường Đảng đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng.

Tiếp giáp với Biển Đông là hai xã An Thạnh Nam và An Thạnh Ba với đặc trưng là vùng sinh thái nước mặn. Nơi đây có đường bờ biển dài hơn 17 km với trên 16.000 ha bãi bồi, 800 ha bãi nghêu, 30 ha đảo khỉ và đặc biệt là khu rừng bần ngập nước rộng khoảng 1.500 ha. Đây là khu rừng bần ngập nước rộng lớn nhất trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, có hệ sinh thái đa dạng, phong phú với nhiều loài thực vật và động vật quý hiếm. Đến đây, du khách dễ dàng bắt gặp những đàn dơi, cò, chim với số lượng hàng ngàn con, những đàn ong làm tổ dưới tán bần và những chú khỉ tinh nghịch trèo thoăn thoắt từ cành này sang cành nọ, chúng rất thân thiện và thích nhận thức ăn từ du khách. Sản phẩm du lịch sinh thái biển được xác định là loại hình du lịch giàu tiềm năng nhất tại vùng đất này với rất nhiều hoạt động dành cho du khách trải nghiệm như đi cầu tre xuyên rừng, tham quan mô hình nuôi thủy sản dưới tán rừng, trải nghiệm cho khỉ ăn, câu cua, đạp mong trên bãi bồi, tham quan bãi bồi bằng tàu du lịch kết hợp thưởng thức ẩm thực với các món ăn đặc trưng tại xứ biển như: Canh chua cá ngát nấu bần, gỏi bông bần ốc len, cá thòi lòi nướng muối ớt, chù ụ rang me, ba khía muối, vọp nướng mỡ hành… Bên cạnh đó, du khách còn có dịp thưởng thức các điệu múa Khmer do Câu lạc bộ văn hóa - văn nghệ Khmer địa phương biểu diễn, đờn ca tài tử, tham quan một số cửa hàng OCOP…

Với những thế mạnh tự nhiên của ba vùng sinh thái đã giúp cho du lịch Cù Lao Dung đa dạng các loại hình du lịch, định hình được các sản phẩm du lịch then chốt, thu hút ngày càng đông du khách trong và người nước đến tham quan, trải nghiệm, nghỉ dưỡng, góp phần đưa Cù Lao Dung trở thành vùng du lịch trọng điểm của tỉnh với tầm nhìn trở thành nơi nghỉ dưỡng cao cấp và nơi đáng sống của nhân dân trong và ngoài tỉnh theo Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

GH

Nguồn: https://soctrang.dcs.vn/Default.aspx?sname=tinhuy&sid=4&pageid=469&catid=54367&id=300426&catname=Du-lich---Dia-danh&title=Cu-Lao-Dung--Da-dang-san-pham-du-lich-tu-ba-vung-sinh-thai-nuoc-man--lo-va-ngot

Quay lại