Giới thiệu Hiệp hội du lịch ĐBSCL

25-10-2022

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

PHƯƠNG HƯỚNG HOẠT ĐỘNG HIỆP HỘI DU LỊCH ĐBSCL

(Nhiệm kỳ I 2008 – 2011)

Bối cảnh du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một trong những đồng bằng châu thổ rộng và phì nhiêu ở Đông Nam Á và thế giới, là vùng đất thuộc lưu vực sông Mekong với tổng diện tích tự nhiên là 3,96 triệu ha bằng 5% diện tích toàn lưu vực. ĐBSCL có dân số là 17,4 triệu người chiếm 21% dân số cả nước. Kinh tế chủ yếu của vùng là nông nghiệp. Tăng trưởng GDP hàng năm cao và ổn định, giai đoạn 1996-2000 là 7,9%, giai đoạn 2001-2005 là 10.13%, giai đoạn 2005-2007 là 12.67%, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của vùng năm 2007 ước đạt 4.18 tỷ USD, GDP bình quân đầu người năm 2007 ước đạt 678 USD.

ĐBSCL nằm trong khu vực có đường giao thông hàng hải và hàng không quốc tế quan trọng, giữa Nam Á và Đông Á cũng như Châu Úc và các quần đảo khác trong Thái Bình Dương. Vị trí này hết sức quan trọng trong giao thương quốc tế và phát triển du lịch.

Trong những năm qua, ngành du lịch Việt Nam đang được khách quốc tế biết đến. Là một vùng châu thổ thuộc con sông huyền thoại Mekong, ĐBSCL đã có những đóng góp chung trong phát triển du lịch của cả nước. Lượng du khách quốc tế gia tăng đều qua các năm, từ hơn 2 triệu lượt năm 2000 lên 7 triệu lượt trong năm 2007 trong đó có 680 ngàn khách quốc tế cho thấy ngành du lịch đã đạt mức tăng trưởng cao và ổn định.

Thực trạng và tiềm năng du lịch

Đánh giá về lợi thế của du lịch Việt Nam so với các nước trong khu vực châu Á, Việt Nam là sự lựa chọn hàng đầu của du khách châu Âu khi có nhu cầu du lịch tại châu Á và được đánh giá là 1 trong 10 điểm đến đáng quan tâm nhất của du khách Mỹ. Năm 2005, Việt Nam được xếp thứ 7 trên thế giới về tốc độ tăng trưởng với tỷ lệ 7.6% (đứng thứ 3 tại châu Á sau Trung Quốc và Ấn Độ). Theo các chuyên gia du lịch và các nhà kinh tế dự báo, số du khách quốc tế đến nước ta sẽ gia tăng nhanh trong thời gian tới với các lý do: Việt Nam ngày càng được các nước biết đến, làn sóng đầu tư mới sau khi Việt Nam gia nhập WTO, quốc gia ổn định về chính trị và ít bị tác động của thiên tai, cộng đồng người Việt có nhu cầu trở về thăm thân nhân và đầu tư, các thủ tục xuất nhập cảnh đang được giản lượt đáng kể... sẽ mở ra một hứa hẹn mới cho ngành Du lịch Việt Nam với kỳ vọng số lượt khách quốc tế vượt 4 triệu lượt trong năm 2006 và sẽ tăng nhanh lên 8 triệu lượt vào năm 2010. 

Riêng ĐBSCL, với đặc thù là vùng sinh quyển độc đáo trên thế giới, nơi đây sẽ là điểm đến mới đối với du khách quốc tế. Địa hình của vùng rất đặc trưng với nhiều sông rạch chằng chịt, hội đủ các yếu tố cho phát triển ngành du lịch như: rừng, núi, biển, hải đảo... và nhiều địa danh nổi tiếng tại 8 vùng sinh thái đặc trưng đã tạo cho ĐBSCL một sắc thái du lịch riêng biệt. ĐBSCL còn nổi tiếng với tên gọi Mekong Delta - nơi hạ nguồn sông Mekong nổi tiếng thế giới chảy qua, là điểm giáp với Campuchia- nơi có kỳ quan thế giới Angkor Watt. Nơi đây còn là trung tâm cây ăn trái nhiệt đới với nhiều loại trái cây đặc sản quanh năm. 

So với các điểm du lịch trong cả nước, ĐBSCL thuận lợi về giao thông trong nước và quốc tế. Về đường bộ, ĐBSCL giáp với Tp. HCM với khoảng cách giữa hai trung tâm chưa đến 200 km. Hệ thống sông ngòi đan xen giữa các tỉnh sẽ là một trục giao thông hữu ích bằng đường thuỷ cho phát triển du lịch và vận tải hàng hoá. Về giao thương quốc tế, cảng hàng không quốc tế đang được cải tạo tại Cần Thơ sẽ tạo điều kiện cho du khách đến trực tiếp với vùng đất du lịch này. Về hạ tầng cơ sở, ĐBSCL đã được đầu tư cho du lịch khá tốt, các khách sạn cao cấp (3-4 sao) đã có mặt ở một số địa phương và các điểm du lịch lớn trong vùng. Đảo du lịch Phú Quốc đang được Chính phủ cho phép kêu gọi đầu tư để trở thành điểm du lịch trọng điểm của quốc gia. Ngoài các vấn đề về hạ tầng, tính mến khách của người dân Nam bộ cũng là đặc điểm trong thu hút du khách. 

Cùng với những thuận lợi và điểm mạnh vốn có, ĐBSCL vẫn còn một số điểm yếu và hạn chế nhất định. 

Thứ nhất, khi nói đến du lịch ĐBSCL, du khách còn thường phản ánh về sự nghèo nàn của các tour, tuyến. Khả năng khai thác các chương trình du lịch chưa được hấp dẫn du khách, phong cách phục vụ chưa chuyên nghiệp nên chưa đón tiếp được các dạng khách trung lưu. 

Thứ hai, tính liên kết giữa các doanh nghiệp, giữa các địa phương chưa chặt chẽ. Do địa hình và đặc thù giữa các tỉnh, thành gần giống nhau nên về hình thức và điểm du lịch còn mang nét tương tự, chưa tạo sự khác biệt. Các địa phương, doanh nghiệp chưa gắn kết nhiều trong việc tập trung chuyên biệt một loại hình sản phẩm, dịch vụ để thu hút du khách mà thay vào đó đôi khi còn cạnh tranh lẫn nhau trên cùng một sản phẩm. 

Thứ ba, khả năng tiếp cận thông tin và quảng bá còn hạn chế. Công tác giới thiệu và quảng bá hình ảnh du lịch của vùng chưa được đầu tư đúng mức. Tính chuyên nghiệp trong các chương trình giới thiệu chưa cao nên chưa thu hút sự quan tâm của du khách, đặc biệt là khách quốc tế.

Ngoài ra, du lịch ĐBSCL còn một số điểm yếu tồn tại như khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp chưa cao, nguồn nhân lực phục vụ qua đào tạo còn hạn chế, sự quan tâm đến doanh nghiệp và đầu tư của chính quyền địa phương cho ngành du lịch chưa được tập trung cao.... là những lực cản trong quá trình phát triển.

Về cơ hội phát triển, theo đánh giá của Tổng Cục Du lịch, khách du lịch quốc tế, đặc biệt là Hoa Kỳ thích miền sông nước Nam Bộ, nơi mà cuộc sống và cảnh quan còn hoang sơ, sự phát triển và đô thị hóa chưa mạnh. Chính những hình ảnh khác lạ này thu hút sự quan tâm của những du khách. Nằm trong dự án phát triển du lịch ĐBSCL do ADB Tài trợ, du khách Hoa Kỳ cũng sẽ là đối tượng chính của dự án. Rõ ràng với lợi thế vốn có, du lịch ĐBSCL sẽ là một điểm đến đầy lý thú sắp tới. Theo thống kê, năm 2004 ĐBSCL đón hơn 600 nghìn lượt khách quốc tế đến tham quan và đã tăng nhanh trong năm vừa qua. Cùng với các sự ki??n lớn của cả nước trong năm 2006 như Việt Nam gia nhập WTO, Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị APEC... và những sự kiện sắp tới như khánh thành cầu Cần Thơ, cảng hàng không quốc tế Trà Nóc, Lễ hội du lịch sinh thái quốc gia năm 2008 tại ĐBSCL... sẽ là những cơ hội lớn cho du lịch ĐBSCL quảng bá và thu hút du khách.

Vai trò của Du lịch đối với sự phát triển kinh tế của Vùng

Đối với kinh tế ĐBSCL, du lịch có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của vùng. Với mức tăng nhanh về lượng khách đến khoảng 47%/ năm, từ 3,2 triệu khách trong năm 2004 lên 7 triệu khách năm 2007 (chưa tính số khách nội vùng), nhiều tiềm năng về du lịch chưa khai thác hết cùng với những dự báo khả quan về phát triển du lịch của thế giới và cả nước trong những năm tới, du lịch ĐBSCL đang trở thành một trong những ngành kinh tế lớn trong quá trình phát triển kinh tế địa phương.
Cùng với các ngành khác, du lịch là ngành có nhu cầu sử dụng lao động khá lớn, từ hướng dẫn viên phục vụ lữ hành, khách sạn, nhà hàng đến các cơ sở sản xuất hàng lưu niệm phục vụ cho du khách đã giải quyết việc làm đáng kể cho xã hội. 

Làng nghề cũng được duy trì và phát triển tuỳ thuộc vào sự phát triển của ngành du lịch. Tại các vùng quê ĐBSCL, làng nghề đang có nguy cơ mai một do sản phẩm làm ra không bán được cho khách hàng. Du lịch là một nguồn tiêu thụ chính cho các sản phẩm của làng nghề. Theo đó du lịch không chỉ giải quyết việc tiêu thụ hàng hoá mà còn giúp giữ được nét văn hoá đặc trưng của vùng quê miền Tây Nam bộ.

Du lịch có thể được xem như là cầu nối hữu hiệu cho thu hút đầu tư nước ngoài. Theo đánh giá của một số chuyên gia kinh tế, lượng khách du lịch tầng lớp trung lưu phần lớn là những nhà đầu tư tiềm năng. Khi đến du lịch tại một địa phương, họ sẽ nhận ra được những cơ hội phát triển tại đây và không ít địa phương đã tận dụng được cơ hội này. 

Như vậy sự phát triển du lịch ĐBSCl không chỉ đơn thuần là tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước mà góp phần rất lớn trong phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Sự cần thiết hình thành Hiệp hội Du lịch ĐBSCL

Mặc dù ĐBSCL có nhiều thuận lợi và cơ hội phát triển du lịch nhưng so với các địa phương khác, thời gian qua các tỉnh ĐBSCL chưa có sự phối hợp để đưa ngành phát triển. Các địa danh, di tích, điểm du lịch chưa được khai thác đúng mức, sự hợp tác trong phát triển ngành còn rời rạc. Các điểm du lịch hiện tại còn na ná nhau, cách thức phục vụ chưa tạo được hài lòng cho du khách, các tour du lịch chủ yếu dựa vào những địa danh sẵn có, chưa phát huy hết lợi thế, chưa tạo mối liên hệ giữa các lĩnh vực: du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học, làng nghề và tour hỗn hợp… hay xa hơn là tổ chức du lịch MICE và liên kết khu vực khám phá dòng Mekong.

Từ thực tế đó, nhiều địa phương đã nhận thấy sự liên kết là cần thiết để tạo ra một dòng sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng. Trong năm qua, nhiều cuộc hội thảo về phát triển du lịch cũng được tổ chức để thảo luận về vấn đề này. Vì vậy từ thực trạng của vùng và quan điểm của từng địa phương là cơ sở để tiến tới nghiên cứu thành lập mô hình hiệp hội du lịch ĐBSCL. 
Qua việc nhận dạng những điểm mạnh và yếu, tiềm năng và cơ hội phát triển của ngành, trong quá trình soạn thảo và xây dựng kế hoạch thành lập Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, nhóm công tác đã nhận được nhiều sự quan tâm và ủng hộ của các địa phương: Thành Uỷ thành phố Cần Thơ, Uỷ ban Nhân dân tỉnh An Giang, Tiền Giang, Bến Tre và nhiều cơ quan tổ chức khác trong và ngoài nước, điều này cho thấy việc ra đời là cần thiết và kỳ vọng Hiệp hội sẽ có những tác động tích cực đến phát triển kinh tế của vùng.

Mục tiêu và nhiệm vụ của Hiệp hội Du lịch ĐBSCL

Mục tiêu của Hiệp hội

Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được thành lập dựa trên ‎ý tưởng và mong muốn của doanh nghiệp ở các địa phương nhằm liên kết hợp tác để thúc đẩy ngành du lịch ĐBSCL phát triển. Mục tiêu chính của Hiệp hội nhằm liên kết giữa các doanh nghiệp với chính quyền các địa phương, giữa doanh nghiệp với khách hàng và giữa doanh nghiệp với nhau, nghiên cứu đề xuất và kiến nghị với các cơ quan quản lý, với Chính phủ về những chính sách liên quan đến ngành nhằm thúc đẩy ngành du lịch phát triển.

Nhiệm vụ của Hiệp hội 

Hiệp hội được thành lập sẽ tạo cho doanh nghiệp trong nghành có tiếng nói, đóng góp vào quá trình hoạch định phát triển nghành du lịch. Hiệp hội sẽ vận động các doanh nghiệp thực hiện các chủ trương của Tổng Cục du lịch, các cơ quan quản lý địa phương, đồng thời đại diện góp ý trong việc xây dựng các chính sách phát triển nghành du lịch, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, giải quyết việc làm, khắc phục những hạn chế còn tồn tại ở doanh nghiệp, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của vùng, đặc biệt là nâng cao hình ảnh của từng địa phương nói riêng và ĐBSCL nói chung, cụ thể:

Theo kế hoạch Hiệp hội lấy tên là Hiệp hội Du lịch Đồng Bằng Sông Cửu Long, tên giao dịch : Mekong Delta Tourism Association và viết tắt là : MDTA. Hiệp hội Du lịch Đồng Bằng Sông Cửu Long có tư cách pháp nhân, có con dấu, có biểu tượng và tài khoản riêng. Dự kiến trụ sở của MDTA đặt tại Cần Thơ. Hiệp hội sẽ có văn phòng đại diện ở trong nước và ngoài nước theo quy định của pháp luật.

Các hoạt động chính của Hiệp hội

Căn cứ vào nhu cầu và định hướng phát triển ngành du lịch vùng ĐBSCL, Hiệp hội sẽ tập trung vào các hoạt động chính:
- Gắn kết với các tổ chức trong và ngoài nước nghiên cứu phát triển du lịch trong phạm vi của vùng.
- Quảng bá, xây dựng hình ảnh du lịch ĐBSCL các địa phương trong cả nước và nước ngoài.
- Hỗ trợ chính quyền, cơ quan chuyên môn các địa phương trong công tác quy hoạch phát triển ngành du lịch.
- Xây dựng hệ thống thông tin chung về ngành du lịch ĐBSCL
- Phối hợp với các tổ chức đơn vị đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho ngành du lịch phục vụ cho các doanh nghiệp trong ngành.
- Cùng các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức trong nước và quốc tế thực hiện các chương trình nâng cao ý thức cộng đồng về môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, tôn tạo, trùng tu các danh lam thắng cảnh của địa phương... để ngành du lịch phát triển.
- Tổ chức bộ máy kinh doanh dịch vụ du lịch tạo nguồn thu cho Hiệp hội.

Mối quan hệ của Hiệp hội với các cơ quan, tổ chức khác

Hiệp hội Du lịch ĐBSCL là một tổ chức tự nguyện, phi chính phủ, đại diện cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong ngành du lịch và liên quan đến dịch vụ, không vì mục đích lợi nhuận. Dựa trên điều lệ và phương hướng hoạt động, Hiệp hội có những mối quan hệ với Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức khác như sau:
Đối với các Cơ quan bộ, ngành Trung ương, thực hiện đường lối chủ trương của Đảng, Nhà nước trong các quá trình phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là phát triển du lịch. Hiệp hội chịu sự quản lý của Tổng Cục Du lịch Việt Nam, có nhiệm vụ tuyên truyền và vận động doanh nghiệp thực hiện các chính sách và chỉ đạo của Tổng Cục Du lịch nhằm thúc đẩy phát triển ngành du lịch. Đối với các bộ, ngành liên quan, Hiệp hội sẽ tham gia các chương trình liên quan đến du lịch do các cơ quan đề xướng nhằm xây dựng một môi trường du lịch năng động.

Đối với các cơ quan cấp vùng, Hiệp hội sẽ thực hiện theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ trong các hoạt động nhằm đảm bảo an ninh chính trị và kinh tế. Hiệp hội tích cực tham gia trong các hoạt động của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (chi nhánh tại Cần Thơ) và các tổ chức khác để tìm sự hỗ trợ mạnh mẽ trong việc nghiên cứu đánh giá, phân tích phát triển du lịch và kinh tế của vùng để đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến du lịch, đào tạo và phát triển doanh nghiệp, tăng cường cho ngành du lịch phát triển.

Đối với các cơ quan cấp Tỉnh, Hiệp hội có mối quan hệ thường xuyên với các cơ quan quản lý địa phương, đặc biệt là Sở Du lịch (Sở Thương mại và Du lịch) và Trung tâm Xúc tiến các tỉnh để hỗ trợ, phối hợp triển khai các hoạt động du lịch cụ thể tại địa phương. 

Bên cạnh đó, Hiệp hội sẽ thiết lập mối quan hệ với các tổ chức trong và ngoài nước như: Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội du lịch các tỉnh, thành trong cả nước, các tổ chức du lịch quốc tế ...để liên kết hợp tác nghiên cứu du lịch về du lịch, xúc tiến xây dựng và giới thiệu hình ảnh của vùng gắn chặt với du lịch của cả nước ra bên ngoài.

Phương hướng nhiệm kỳ đầu (2008 - 2011)

Trên cơ sở từ định hướng chung của Hiệp hội, Ban Vận động thành lập Hiệp hội Du lịch ĐBSCL dự thảo phương hướng hoạt động cho giai đoạn đầu thành lập (2007 – 2009) trình Bộ Nội vụ và Tổng Cục Du lịch để xem xét và thông qua, phê chuẩn cho việc thành lập hiệp hội. Theo đó phương hướng hoạt động của Hiệp hội sẽ tập trung các công việc như sau:

3.1 Công tác tổ chức bộ máy của Hiệp hội:

Sau khi đại hội được thành lập, ở nhiệm kỳ đầu (2008 – 2011) Ban chấp hành sẽ từng bước thực hiện các hoạt động theo phương hướng đã được thông qua trong quá trình xin thành lập. Các công tác bao gồm:
- Hoàn chỉnh các quy chế hoạt động của Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra, Văn phòng Hiệp hội, quy chế quản lý tài chính, tài sản của Hiệp hội. 
- Phân công, phân trách nhiệm trong Ban chấp hành phụ trách các Ban chuyên môn dựa trên chức năng và nhiệm vụ đã được đề cập trong điều lệ
- Tổ chức bộ máy văn phòng Hiệp hội có đủ cán bộ có năng lực để triển khai các hoạt động của Hiệp hội. 
Nhiệm kỳ 2008-2011 Hiệp hội sẽ tiến hành thực hiện các công việc phát triển, gắn kết với hội viên, phát thẻ hội viên (hội viên danh dự, chính thức, liên kết), vận động doanh nghiệp tham gia và thu hội phí theo điều lệ Hiệp hội. Đồng thời gắn kết với các tổ chức trong và ngoài nước nghiên cứu phát triển du lịch trong phạm vi của vùng.

3.2 Triển khai công tác đối ngoại, liên kết:

Việc triển khai công tác đối ngoại, liên kết với các cơ quan chính phủ, chính quyền các địa phương, các tổ chức du lịch trong và ngoài nước… là công tác quan trọng trong thời gian đầu thành lập Hiệp hội. Mối quan hệ tốt đẹp sẽ tạo điều kiện cho Hiệp hội phát triển nhanh chóng, đồng thời nắm bắt và tiếp thu sự quan tâm chỉ đạo của các cơ quan chuyên quản. Bên cạnh đó mối quan hệ chặt chẽ với các tổ chức trong và ngoài nước, Hiệp hội sẽ tìm được nguồn tài trợ để tăng cường cho các hoạt động của mình.
Tận dụng những lợi thế, tiềm năng du lịch của vùng, Hiệp hội sẽ tập trung liên kết với các tổ chức du lịch trong nước và quốc tế để quảng bá và giới thiệu về tiềm năng du lịch, mời gọi đầu tư và khai thác tuyến du lịch. 

Các hoạt động dự kiến:

3.2.1. Triển khai công tác quảng bá, xây dựng và quảng bá website của Hiệp hội tại các địa phương trong và ngoài vùng.

3.2.2. Hỗ trợ chính quyền, cơ quan chuyên môn các địa phương trong công tác quy hoạch phát triển ngành du lịch.

3.2.3. Thành lập Văn phòng đại diện tại các trung tâm lớn để quảng bá, xúc tiến du lịch

3.2.4. Tiếp cận với các tổ chức du lịch trong nước và quốc tế đóng tại Việt Nam, tham gia làm thành viên của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VTA), Hiệp hội Du lịch Châu Á Thái Bình Dương (PATA)… để có điều kiện tiếp cận thông tin và hướng phát triển.

3.3 Triển khai các hoạt động liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp hội viên
Đây là chương trình gắn liền với hoạt động của doanh nghiệp hội viên và là mục tiêu của Hiệp hội, có ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và sự tồn tại của Hiệp hội. Trong giai đoạn 2008 - 2011, Hiệp hội sẽ tập trung triển khai ngay các hoạt động liên quan đến doanh nghiệp, bao gồm:

3.3.1 Xây dựng hệ thống thông tin chung về ngành du lịch ĐBSCL. Trên cơ sở thu thập và xây dựng bộ cơ sở dữ liệu thông tin về du lịch, Hiệp hội sẽ tiến hành phân tích điểm mạnh-yếu của ngành du lịch, thu thập các thông tin về địa danh, di tích, điều kiện hạ tầng du lịch... làm cơ sở nghiên cứu những vấn đề liên quan đến phát triển ngành trong thời gian kế tiếp. Các dữ liệu sẽ được chuyển tải bằng các hình thức E-cataloge, CD-Rom, danh bạ, cẩm nang, sách hướng dẫn… để giới thiệu đến với du khách và phục vụ cho công tác nghiên cứu.

3.3.2 Xây dựng các tiêu chuẩn cho doanh nghiệp khi tham gia các tour tại ĐBSCL do thành viên Hiệp hội tổ chức như:xếp hạng, đánh giá, tổ chức bình chọn doanh nghiệp kinh doanh tốt nhất trong các lĩnh vực: lữ hành, khách sạn, nhà hàng, giải trí… nhằm tạo sự cạnh tranh, nâng cao chất lượng phục vụ du khách, hướng các doanh nghiệp trong ngành nhận thức đảm bảo các tiêu chí đề ra để đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành du lịch.

3.3.3 Phối hợp với các ban ngành của địa phương đề xuất UBND các tỉnh, thành ĐBSCL đăng cai tổ chức các hội nghị quốc gia, quốc tế nhằm thu hút sự quan tâm của các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong và ngoài nước.

3.3.4 Tổ chức hội nghị để quảng bá, thu hút đầu tư du lịch trong nước và nước ngoài để giới thiệu du lịch của vùng và hợp tác đầu tư trong lĩnh vực du lịch để khai thác tiềm năng du lịch địa phương.

3.3.5 Thành lập công ty CP Du lịch Mekong (tên gọi đề xuất) với cổ phần dành cho các thành viên Hiệp hội. Mục đích tạo nguồn thu cho Hiệp hội, đảm bảo có sự tham gia của các hội viên vì lợi ích chung phát triển du lịch của vùng.

3.3.6 Đẩy mạnh công tác phát triển hội viên, tăng cường tiếng nói của Hiệp hội trong các hoạt động liên quan

3.4 Đẩy mạnh quảng bá, phát triển tên hiệu và đào tạo cán bộ

3.4.1 Thiết kế và đưa vào sử dụng website Hiệp hội bằng 02 ngôn ngữ Anh - Việt. Sau đó tăng cường thêm các ngôn ngữ khác tuỳ vào lượng du khách quan tâm.

3.4.2 Phối hợp với các Trường Đại học, Trường đào tạo Nghiệp vụ Du lịch… đào tạo, tập huấn nhân viên thuộc các bộ phận: tiếp tân, phục vụ … tại nhà hàng, khách sạn do doanh nghiệp hội viên quản lý. Tổ chức các lớp đào tạo về thiết kế tour du lịch, cải tiến sản phẩm… Gắn đào tạo tiếp thị địa phương với các hoạt động của Hiệp hội, liên kết tổ chức các khoá tập huấn kiến thức về du lịch sinh thái, du lịch vườn. Cung cấp thông tin về văn hoá đồng bằng nhằm phục vụ du khách ngày một tốt hơn.

3.4.3 Phối hợp với các tổ chức quốc tế tôn tạo, trùng tu các danh lam thắng cảnh của địa phương.

3.4.4 Cùng với các cơ quan nhà nước tuyên truyền để nâng cao ý thức cộng đồng, tạo hình ảnh ấn tượng với du khách. Hướng dẫn và tuyên truyền về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường văn hoá địa phương.

Việc thành lập Hiệp hội Du lịch ĐBSCL sẽ có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển của ngành và tăng trưởng kinh tế trong vùng. Để tăng cường hình ảnh của địa phương trong việc quảng bá, tiếp thị và giao thương mại, du lịch đang đóng vai trò quan trọng, là yếu tố quyết định và duy trì tên tuổi của một địa phương. Hiệp hội ra đời sẽ góp phần định hướng cho ngành du lịch ĐBSCL phát triển nhanh chóng, đúng hướng, các vấn đề yếu kém về: đào tạo nhân viên phục vụ, khai thác tuyến, tạo sự khác biệt, cạnh tranh không lành mạnh…sẽ được giải quyết một cách thống nhất, mặt khác, hiệp hội sẽ phát huy những mặt tích cực với sự hiệp lực của các đơn vị thành viên.
Ngoài ra, sự hình thành hiệp hội đồng nghĩa sự phát triển của ngành, sẽ kéo theo số doanh nghiệp thành lập mới, giải quyết nhiều lao động, văn hoá truyền thống của vùng được bảo tồn và phát huy, tạo nguồn thu ngân sách cho địa phương ngày một nhiều hơn và đặc biệt là nâng cao hình ảnh của từng địa phương hay ĐBSCL nói chung.

Quay lại