Thị xã Ngã Năm phát triển du lịch từ vị trí đặc thù

20-02-2025

Nằm ở phía Tây của tỉnh Sóc Trăng, cách trung tâm thành phố Sóc Trăng khoảng 60 km, thị xã Ngã Năm có vị trí đặc biệt vì là nơi tiếp giáp giữa 03 tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Hậu Giang. Với diện tích tự nhiên hơn 241 km², Ngã Năm được tách ra từ huyện Thạnh Trị vào năm 2003. Sau khi được chia tách, Ngã Năm đã có những bước phát triển vượt bậc và trở thành thị xã thứ hai của tỉnh Sóc Trăng vào năm 2013.

Nằm cách khá xa trung tâm tỉnh lỵ, thị xã Ngã Năm có không gian phát triển riêng, đặc biệt trong việc phát triển du lịch tại địa phương nhờ vào hệ thống giao thông thuận lợi. Tuyến Quản lộ Phụng Hiệp chạy qua địa bàn thị xã được xem như là trục giao thông xương sống kết nối với các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang và đặc biệt là thành phố Cần Thơ - trung tâm du lịch của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tuyến quốc lộ này giúp phá thế độc đạo của Quốc lộ 1A và rút ngắn được hơn 40 km từ Cần Thơ đi Cà Mau. Đến năm 2019, Quản lộ Phụng Hiệp đã được đầu tư nâng cấp, giúp giao thông ngày càng thuận tiện và việc đi lại của du khách cũng dễ dàng hơn khi đến với Ngã Năm. Ngoài ra, trên địa bàn còn có tuyến Quốc lộ 61B giúp thị xã Ngã Năm kết nối dễ dàng với Quốc lộ 1A qua huyện Thạnh Trị, tỉnh Hậu Giang và các tỉnh phía Tây Đồng bằng sông Cửu Long. Hơn nữa, Ngã Năm còn có các tuyến đường huyện, đường đô thị, đường giao thông nông thôn kết nối đến trung tâm xã, các khu, cụm dân cư và các điểm tham quan du lịch.

Hệ thống giao thông đường thủy đã tạo cho Ngã Năm một vị trí đặc thù. Kênh Quản lộ Phụng Hiệp chạy qua địa bàn thị xã kết nối giao thương đường thủy với các tỉnh Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu và Cà Mau. Con kênh này cùng với dòng kênh Xáng cắt ngang kênh Xẻo Chính hình thành 5 ngả đổ về các địa phương lân cận như Cà Mau, Vĩnh Quới, Long Mỹ, Thạnh Trị, Phụng Hiệp. Điểm đặc trưng này đã tạo nên chợ nổi Ngã Năm nổi tiếng từ thời Pháp thuộc đến nay. Chợ nổi là một trong những địa chỉ giao thương, sinh hoạt, buôn bán tấp nập của người dân địa phương và một số vùng lân cận, đồng thời còn trở thành điểm du lịch thu hút đông đảo du khách ghé đến tham quan, khám phá.

Bên cạnh đó, Ngã Năm còn có nhiều sản phẩm để phát triển du lịch như các di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh. Hiện nay, thị xã có 07 di tích được xếp hạng gồm 02 di tích được xếp hạng cấp quốc gia là Miếu bà Chúa Xứ Mỹ Đông, địa điểm chiến thắng Chi khu Ngã Năm và 05 di tích được xếp hạng cấp tỉnh là Khu Căn cứ Huyện ủy Thạnh Trị - Ngã Năm, Thánh Thất Minh Tiên, chùa Ô Chum, chùa Giác Hương, Pháo đài chiến thắng Chi khu Ngã Năm.

Với những tiềm năng và thế mạnh về du lịch cùng với hệ thống giao thông liên tỉnh, liên vùng được đầu tư, Ngã Năm từng bước thu hút đông đảo du khách đến tham quan. Du lịch văn hóa thương hồ chợ nổi Ngã Năm được xác định là 01 trong 10 sản phẩm du lịch chủ lực của tỉnh và cũng là sản phẩm du lịch chính tại thị xã Ngã Năm; cùng với đó là các sản phẩm du lịch vệ tinh xung quanh như chùa Ô Chum, chùa Giác Hương, Pháo đài chiến thắng Chi khu Ngã Năm, Hợp tác xã Trà mãng cầu, làng nghề đan lục bình… Ngoài ra, Ngã Năm còn đẩy mạnh khai thác kết hợp giữa du lịch và ẩm thực với nhiều món ngon hấp dẫn như bún nước lèo, bánh cống, mắm cá lóc đồng Ngã Năm, mắm cá rô không xương, khô trâu, trâu kho tương, các món ăn đồng quê… cho đến các sản phẩm OCOP nổi tiếng như trà mãng cầu, gạo sữa.

Để du lịch Ngã Năm vươn mình phát triển mạnh trong thời gian tới thì cần đẩy mạnh khai thác được vị trí đặc thù. Đẩy mạnh liên kết với các công ty lữ hành tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ và các tỉnh, thành khác để kết nối tour tuyến; đẩy mạnh khai thác các điểm tham quan dọc theo tuyến Quản lộ Phụng Hiệp, trong đó lấy thị xã Ngã Năm là một trong những điểm tham quan chính trong hành trình, tạo được chương trình tham quan mới so với tuyến truyền thống là Quốc lộ 1A. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh khai thác các tour nội tỉnh, liên kết với các huyện, thị xã, thành phố khác trong tỉnh như tour Ngã Năm sông nước (chợ nổi Ngã Năm - chùa Ô Chum - chùa Giác Hương - Hợp tác xã Trà mãng cầu - làng nghề đan lục bình), tour Ngã Năm - Mỹ Tú (Homestay chợ nổi Ngã Năm - Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy), tour Ngã Năm - Thạnh Trị - Mỹ Xuyên (vườn cò Tân Long - chùa Chén Kiểu), tour Ngã Năm - thành phố Sóc Trăng (chùa Dơi - chùa Som Rông - chùa Đất Sét)…

Tuy nhiên, hiện nay chợ nổi Ngã Năm đã không còn nhộn nhịp như trước do sự phát triển của kinh tế - xã hội, sự thay đổi hình thức hoạt động vận chuyển từ đường thủy lên đường bộ để thuận tiện cho việc sinh hoạt giao thương hàng hóa. Điều này đòi hỏi cần có những giải pháp thích ứng linh hoạt để phát triển du lịch trong tình hình mới, trong đó cần chú trọng phục dựng lại nét văn hóa thương hồ xưa như phục dựng phương tiện thủy (ghe xuồng) theo lối xưa, đa dạng hóa các loại xuồng dùng để buôn bán nhỏ trên sông và phục vụ du khách; phục dựng lại phong cách người thương hồ xưa từ cách ăn mặc đến cách chào hỏi, giao tiếp rồi đến nghệ thuật dân gian như câu hò, điệu lý trên sông… Cùng với đó là các giải pháp về quy hoạch không gian sông nước, quy hoạch không gian ven sông; khai thác kết hợp các loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian phục vụ du khách tham quan chợ nổi; đẩy mạnh các hoạt động trải nghiệm sông nước, thưởng thức ẩm thực; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch; chú trọng công tác vệ sinh môi trường; đẩy mạnh kêu gọi các doanh nghiệp có tiềm năng đầu tư vào các dịch vụ du lịch; nâng cao chất lượng các cơ sở lưu trú trên địa bàn, kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đầu tư vào cơ sở lưu trú thông qua chính sách thu hút đầu tư của tỉnh, ưu tiên thu hút các dự án tổ hợp cơ sở lưu trú cao cấp, có thương hiệu của các tập đoàn trong nước và quốc tế, trước mắt cần khuyến khích đầu tư tổ hợp khách sạn từ 3 sao trở lên với các dịch vụ đa dạng như lưu trú, ẩm thực, hội nghị, massage, karaoke… nhằm làm tiêu điểm bứt phá về cơ sở hạ tầng du lịch tại địa phương.

GH

Nguồn: https://soctrang.dcs.vn/Default.aspx?sname=tinhuy&sid=4&pageid=469&catid=54367&id=301757&catname=Du-lich---Dia-danh&title=Thi-xa-Nga-Nam-phat-trien-du-lich-tu-vi-tri-dac-thu

Quay lại