Đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ phát triển du lịch, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của Tỉnh
“Đến năm 2030, Du lịch Đồng Tháp hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng phục vụ du lịch tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, là điểm đến hấp dẫn của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); Tỉnh Đồng Tháp trở thành điểm đến có thương hiệu mạnh của cả 06 trụ cột trọng tâm phát triển, có sức cạnh tranh lớn trong vùng ĐBSCL” là mục tiêu của Đề án phát triển du lịch, góp phần tạo dựng hình ảnh tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2023 – 2025, định hướng đến năm 2030 được Uỷ ban nhân dân Tỉnh ban hành tại Quyết định 1356/QĐ-HC ngày 28/12/2023).
Ngành du lịch được Đồng Tháp xác định là ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế của Tỉnh. Tỉnh nhận thức rõ trong xu hướng hiện nay, du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, hiện đại. Sự phát triển của du lịch là tất yếu và phù hợp với yêu cầu của thời kỳ mới. Đẩy mạnh phát triển du lịch sẽ góp phần tạo sinh kế, giải quyết việc làm và nhất là tiêu thụ, xuất khẩu tại chỗ hàng nông sản, đặc sản, các sản phẩm làng nghề thủ công... góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, nhất là nông dân làm nông nghiệp ở các địa bàn nông thôn. Đồng thời, thông qua hoạt động phát triển du lịch sẽ góp phần duy trì, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, môi trường thiên nhiên sinh thái, môi trường sống của con người... Vì lẽ đó, Đồng Tháp đã lựa chọn phát triển du lịch. Phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng nằm trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.
Du lịch Đồng Tháp thời gian qua đã xác định được vị thế trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Hình ảnh du lịch Đồng Tháp “Thuần khiết như hồn Sen” tạo được ấn tượng đẹp trong lòng du khách và sự quan tâm của các cơ quan truyền thông đại chúng. Định vị được sản phẩm du lịch đặc trưng cho từng khu, điểm du lịch trọng điểm của Tỉnh. Đồng thời cũng đã xây dựng nhiều sản phẩm du lịch gắn với các sản phẩm nông nghiệp chủ đạo như Sen, Xoài, Quýt hồng… Phát triển du lịch tại Đồng Tháp bước đầu đã mang lại những hiệu quả và để lại ấn tượng đẹp trong tâm trí của khách du lịch trong nước và quốc tế. Du lịch đã góp phần quan trọng trong việc tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống kinh tế, văn hoá – xã hội cho địa phương.
Xuất phát từ những yêu cầu phát triển ngành du lịch tỉnh Đồng Tháp trong giai đoạn mới, Tỉnh đã chỉ đạo xây dựng đề án “Phát triển du lịch góp phần tạo dựng hình ảnh tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu là phát huy định vị hình ảnh địa phương gắn với sáu trụ cột trọng tâm phát triển của tỉnh từ đó góp phần tạo dựng một hình ảnh Đồng Tháp nhất quán, xây dựng thương hiệu Đồng Tháp với định vị rõ ràng, hấp dẫn và độc đáo dựa trên những điều kiện kinh tế đặc thù, giá trị văn hóa, lịch sử, con người và tài nguyên thiên nhiên khác biệt.
Đề án sẽ đưa tỉnh Đồng Tháp trở thành điểm đến hấp dẫn của Đồng bằng sông Cửu Long, thu hút nhiều nhà đầu tư chiến lược, khuyến khích tăng trưởng nhà đầu tư địa phương, khách du lịch và nguồn nhân lực chất lượng cao đến với địa phương, góp phần thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành thương mại, dịch vụ, du lịch và đi đúng với định hướng phát triển của tỉnh.
So với Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2015-2020 thì Đề án Phát triển du lịch góp phần tạo dựng hình ảnh tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030 có nhiều điểm mới. Cụ thể:
Đề án PTDL 2015-2020 cung cấp những giải pháp khả thi để phát triển du lịch trong giai đoạn 05 năm, tạo tiền đề cho những bước phát triển tiếp theo. Mục tiêu là định vị “vị trí địa lý” của Đồng Tháp trong tâm thức du khách; Đề án lần này với mục tiêu là phát triển du lịch góp phần tạo dựng hình ảnh địa phương. Đồng thời, Phát huy định vị hình ảnh du lịch gắn với tạo dựng địa phương. Phát triển theo hướng xanh, bền vững và trở thành ngành kinh tế quan trọng.
Đề án PTDL 2015-2020 chỉ phát triển loại hình, sản phẩm chủ yếu tại TP Cao Lãnh, TP Sa Đéc, Tháp Mười và 05 khu trọng điểm: Xẻo Quít, Gáo Giồng, Tràm Chim, Gò Tháp, Nguyễn Sinh Sắc, làng bè Bình Thạnh. Đề án lần này phát triển 13 loại hình du lịch gắn với tiềm năng, tài nguyên đặc trưng địa phương phân theo 04 không gian lãnh thổ cụ thể.
Đề án PTDL 2015-2020 xây dựng sản phẩm đặc trưng cho Xẻo Quít, Gáo Giồng, Tràm Chim, Gò Tháp, Nguyễn Sinh Sắc, làng bè Bình Thạnh. Đề án lần này xây dựng 07 bô sản phẩm du lịch nông nghiệp,04 bộ sản phẩm du lịch sinh thái, 04 bộ sản phẩm du lịch văn hoá, 04 bộ sản phâm du lịch tâm linh trải đều toàn Tỉnh.
Đề án PTDL 2015-2020 xây dựng tour tuyến du lịch nội tỉnh kết nối 05 khu du lịch trọng điểm theo 3 cửa ngỏ: TP Cao Lãnh, TP Sa Đéc, Tháp Mười. Kết nối trung gian trên trục đường Hồ Chí Minh - Cầu Cao Lãnh – Cầu Vàm Cống – Long Xuyên. Kết nối các tỉnh phía Nam sông tiền và Bắc phía sông Hậu. Đề án lần này xây dựng mới: 03 tour du lịch nội Tỉnh; 07 tuyến du lịch liên vùng, 02 tuyến du lịch quốc tế
Việc xác định và phân chia cụ thể không gian phát triển du lịch sẽ góp phần định hướng các loại hình du lịch mang tính đặc thù của khu vực, từ đó tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, có khả năng phân biệt trên thị trường và có sức cạnh tranh. Theo quy hoạch tổng thể đến năm 2050, Đồng Tháp có 04 vùng kinh tế động lực: Vùng kinh tế biên giới thượng nguồn sông Tiền, Cụm kinh tế hậu cần sông Hậu, Vùng kinh tế sinh thái - nông nghiệp trung tâm Đồng Tháp Mười, Chuỗi đô thị hành lang và kinh tế ven sông Tiền; cùng với các hành lang kinh tế, các trục chiến lược, các ngành nghề mũi nhọn như: Công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng, dịch vụ doanh nghiệp, kinh tế cửa khẩu, du lịch... Dựa vào qui hoạch các vùng kinh tế của tỉnh, trên cơ sở đánh giá được thế mạnh, tiềm năng phát triển cũng như các nguồn lực hỗ trợ hoạt động du lịch theo từng huyện để xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, định hướng phân vùng không gian du lịch tỉnh Đồng Tháp thành 4 không gian du lịch tiêu biểu:
Không gian du lịch Đất Sen Hồng, gồm trọn vùng trung tâm thành phố Cao Lãnh: Lấy thành phố Cao Lãnh làm trung tâm, hạt nhân động lực trong phát triển các hoạt động du lịch, văn hóa, kinh tế của vùng trung tâm.
Không gian du lịch Sắc màu vùng Biên, gồm: thành phố Hồng Ngự, huyện Hồng Ngự, huyện Tân Hồng.Trọng tâm phát triển du lịch tại thành phố Hồng Ngự với các loại hình du lịch như: du lịch chính quyền, du lịch văn hóa, du lịch nông nghiệp, du lịch làng nghề, du lịch ẩm thực, du lịch MICE.
Không gian du lịch Thủ phủ Hoa, gồm: thành phố Sa Đéc, huyện Lấp Vò, huyện Lai Vung, huyện Châu Thành. Lấy thành phố Sa Đéc làm trọng tâm trong phát triển du lịch kết nối với các huyện Lấp Vò, huyện Lai Vung, huyện Châu Thành. Các loại hình du lịch chính cần được phát triển như du lịch nông nghiệp (bao gồm du lịch miệt vườn, du lịch làng nghề), du lịch chính quyền, du lịch sinh thái tại thành phố Sa Đéc và du lịch nông nghiệp, du lịch ẩm thực tại các huyện Lấp Vò, Lai Vung, Châu Thành.
Không gian du lịch Sen Tháp Mười gồm: huyện Tam Nông, huyện Thanh Bình, huyện Cao Lãnh, huyện Tháp Mười. Không gian du lịch này là thủ phủ sinh thái – nông nghiệp cùng với vùng dự trữ tự nhiên Đồng Tháp Mười. Vùng này tập trung phát triển các loại hình du lịch chính như du lịch sinh thái gắn với Vườn quốc gia Tràm Chim, Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng, du lịch văn hóa lịch sử, du lịch tâm linh gắn với Khu di tích Gò Tháp, Khu di tích Xẻo Quít,…
Đề án cũng đưa ra 13 loại hình du lịch theo thứ tự ưu tiên bao gồm: Du lịch chính quyền, Du lịch văn hóa – lịch sử, Du lịch sinh thái, Du lịch nông nghiệp, Du lịch sông nước, Du lịch cộng đồng, Du lịch đêm, Du lịch MICE, Du lịch ẩm thực, Du lịch tâm linh, Du lịch chăm sóc sức khỏe, Du lịch mua sắm, Du lịch biên mậu.
07 bộ sản phẩm du lịch nông nghiệp: (1) “Tui làm nông dân xứ Sen Hồng”, (2) “Kể chuyện nhà nông” (Nhà trưng bày nông nghiệp Đồng Tháp), (3) “Làng hoa Sa Đéc- Hương Sắc Trăm Năm”, (4) “Tháp Mười – Vương quốc Sen hồng”, (5) “Cao Lãnh – Xứ sở Xoài”, (6) “Lai Vung – Thế giới Quýt Hồng”, (7) “Hồng Ngự - Thủ phủ Cá tra”.
04 sản phẩm du lịch sinh thái: (1) “Sân chim Đồng Tháp”, (2) “Chèo thuyền và khám phá hệ sinh thái ngập nước”, (3) “Du lịch sinh thái kết hợp nghiên cứu chuyên đề”, (4) “Câu cá dã ngoại”.
04 sản phẩm du lịch văn hoá: (1) Trải nghiệm văn hóa Óc Eo tại khu di tích Gò Tháp, (2) “Khám phá Vương quốc Phù Nam về đêm, (3) Trải nghiệm văn hóa làng Hòa An kết hợp y học cổ truyền tại khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, (4) Trải nghiệm tham quan văn hóa tại các di tích lịch sử, văn hóa khác (Các đình làng, nhà cổ).
04 sản phẩm du lịch tâm linh: (1) Khu di tích Gò Tháp, (2) Khu du tích mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc, (3) Khu du lịch văn hóa Phương Nam, (4) Một số điểm di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật khác.
Một số sản phẩm du lịch mang tính đặc thù gắn với tài nguyên và văn hoá địa phương cũng được đưa vào Đề án như Du lịch chăm sóc sức khoẻ kết hợp với các sản phẩm từ Sen. Sản phẩm công viên chuyên đề Lúa, Hoa và Sen. Sản phẩm “Làng văn hóa du lịch cộng đồng Sa Đéc” làng nem Lai Vung, làng chiếu Định Yên, làng ghe xuồng Lai Vung,…
Việc xây dựng và kết nối tour tuyến du lịch được chú trọng hơn với 03 tuyến du lịch nội vùng, 08 tuyến du lịch liên vùng và 02 tuyến quốc tế.
Về phân khúc thị trường khách quốc tế vẫn phát triển thị trường truyền thống như Nhật, Mỹ, Úc, Hàn Quốc, Pháp, Anh. Bên cạnh đó tập trung phát triển thêm thị trường khách nói tiếng Hoa trung và cao cấp; thị trường các nước Tây Âu khác như Pháp, Đức, Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, Thụy Sỹ; thị trường khách Trung Đông và Ấn Độ.
Đặc biệt, Đề án đưa nội dung quy hoạch định hướng phát triển các lễ hội lớn góp phần phát triển du lịch gắn với tạo dựng hình ảnh địa phương: Festival Hoa, Lễ hội Sen, Lễ hội Gò Tháp, Lễ hội Xoài, Lễ hội cá tra.
Đẩy mạnh ứng dụng E-marketing trong xúc tiến du lịch, tăng cường hoạt động du lịch thông minh. Nghiên cứu xây dựng các sàn giao dịch trực tuyến, tổ chức các sự kiện, lễ hội đặc trưng, đăng cai các diễn đàn, hội nghị..tạo tính lan tỏa mạnh mẽ.
Tăng cường ứng dụng công nghệ số trong thuyết minh hướng dẫn, thực hiện song ngữ trong thuyết minh, phát triển bản đồ du lịch số, xây dựng hệ thống du lịch thông minh, xây dựng hệ thống cổng thông tin du lịch thông minh, ứng dụng du lịch trên điện thoại thông minh.
“Đề án phát triển du lịch, góp phần tạo dựng hình ảnh tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến 2030” được xây dựng dựa trên cơ sở rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu Đề án “Phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2015-2020 và Đề án “Xây dựng hình ảnh địa phương tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2015-2020”, đồng thời dựa trên điều tra, đánh giá hiện trạng tổng thể chuỗi giá trị du lịch và hình ảnh địa phương hiện tại và kỳ vọng tương lai nhằm đảm bảo tính khoa học và thực tiễn ở Đồng Tháp. Đến năm 2030 kỳ vọng sẽ đạt được các mục tiêu:
(1) Định vị được hình ảnh tỉnh Đồng Tháp với những đặc trưng cốt lõi mang bản sắc vùng Đất Sen hồng: chính quyền thân thiện, kiến tạo, phục vụ, hiệu quả; văn hoá và con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo; địa phương khởi nghiệp; nền nông nghiệp xanh, sạch, sản phẩm nông nghiệp “Made in Dong Thap” an toàn, uy tín; du lịch sinh thái, thuần khiết, phát triển du lịch không chỉ vì lợi kinh tế mà còn là trách nhiệm, vì niềm tự hào quê hương, con người Đất Sen hồng;
(2) Giữ vững các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công (PAPI), chỉ số cải cách hành chính (PAR-Index) vị trí TOP 05 cả nước
(3) Phát triển du lịch gắn với hình ảnh địa phương. Trở thành điểm đến, hấp dẫn được khách trong và ngoài nước ưu tiên lựa chọn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; (4) Phát huy văn hóa phi vật thể, lễ hội, nghệ thuật trình diễn dân gian; gắn kết chặt chẽ giữa văn hóa với thể thao; tiếp tục củng cố, mở rộng liên kết với du lịch.
KHÁNH VÂN
Nguồn: https://dulich.dongthap.gov.vn/vi/detailnews/?t=day-manh-thuc-hien-dong-bo-cac-nhiem-vu-phat-trien-du-lich-tung-buoc-dua-du-lich-tro-thanh-nganh-kinh-te-quan-trong-cua-tinh&id=news_1140
Quay lại