Tình hình du lịch Việt Nam sau 2 năm mở cửa trở lại

25-03-2024

Tròn hai năm mở cửa du lịch từ sau Covid lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã phục hồi tích cực. Trong đó, nhờ chính sách thị thực thuận lợi, chất lượng sản phẩm du lịch được nâng cao và công tác quảng bá được đẩy mạnh… là những yếu tố góp phần thu hút khách quốc tế.

Thị trường khách du lịch quốc tế phục hồi nhanh

Trước đại dịch Covid-19, du lịch Việt Nam có tốc độ tăng trưởng mỗi năm khoảng 23%. Theo đó, trong giai đoạn 2015-2019, khách quốc tế tăng từ 7,9 triệu lượt lên 18 triệu lượt. Tuy nhiên, trong giai đoạn Covid-19, ngành du lịch gần như “đóng băng”.

Sau khi mở cửa trở lại từ 15-3-2022, lượng khách quốc tế đến Việt Nam cũng đã phục hồi ngày càng nhanh theo thời gian.

Thống kê lượng khách quốc tế đến Việt Nam từ 2017-2024

Năm 2022, Việt Nam đón gần 3,7 triệu lượt khách quốc tế, tương đương 20% so với năm 2019, trong bối cảnh ngành du lịch châu Á gặp nhiều khó khăn khi nhiều thị trường nguồn lớn trong khu vực lúc đó vẫn chưa mở cửa hoặc mở cửa rất muộn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Bước sang năm 2023, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 12,6 triệu lượt, gấp gần 3,5 lần so với năm 2022, mức độ phục hồi đã đạt 70% so với năm 2019, cao hơn mức phục hồi chung của châu Á (65%).

Tiếp nối đà tăng trưởng, 2 tháng đầu năm 2024, tổng lượng khách quốc tế đạt hơn 3 triệu lượt, tăng gần 69% so với cùng kỳ năm 2023, bằng với mức năm 2019 – thời điểm trước dịch.

Cơ cấu thị trường khách thay đổi và cơ hội khai thác các thị trường tiềm năng

Top 10 thị trường khách quốc tế năm 2023. Nguồn: Tổng hợp từ số liệu Tổng cục Thống kê

Năm 2019, tỷ trọng khách quốc tế đến Việt Nam từ Đông Bắc Á chiếm 67%; Đông Nam Á: 11%; châu Âu: 12%; châu Mỹ: 5,4%; châu Úc: 2,4%. Đến năm 2023, Đông Bắc Á giảm xuống còn 54%. Đông Nam Á chiếm 16%; châu Âu: 11,6%; châu Mỹ: 7,2%; châu Úc: 3,4%.

Theo đó, hai thị trường lớn nhất của Việt Nam vẫn là Trung Quốc và Hàn Quốc. Tuy nhiên, Hàn Quốc đã trở thành thị trường khách quốc tế lớn nhất, Trung Quốc xuống vị trí thứ hai.

Năm 2023, thị trường Trung Quốc mới phục hồi 30% so với năm 2019, đóng góp 16% tổng lượng khách đến Việt Nam. Trong khi đó, lượng khách từ Hàn Quốc đã phục hồi 84%, chiếm 29% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam.

Thị trường “mới nổi” Ấn Độ có sự tăng trưởng đáng kể khi đạt 392.000 lượt khách năm 2023, tăng gấp 2,3 lần so với năm 2019. Với dân số lớn nhất thế giới, Ấn Độ là thị trường đầy tiềm năng. Tuy nhiên, để thu hút dòng khách này, ngành du lịch cần phát triển các sản phẩm phù hợp với văn hóa, thị hiếu và kết nối các đường bay thuận lợi.

Cơ cấu thị trường khách quốc tế năm 2023. Đồ hoạ: Đăng Huy

Bên cạnh đó, thị trường Úc đã hồi phục hoàn toàn và tăng 2% so với năm 2019. Vừa qua, trong chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Úc, hai nước đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Trong đó, hai bên nhất trí thúc đẩy ký kết một thoả thuận hợp tác trong lĩnh vực du lịch, đưa hai nước lọt vào nhóm các thị trường du lịch hàng đầu của nhau.

Thị trường châu Âu sôi động nhờ vào chính sách thị thực mới

Trong năm 2023, các thị trường châu Âu có sự phục hồi khả quan, trong đó có các thị trường chính như Tây Ban Nha phục hồi 91%, Đức đạt 88%, Anh đạt 80% và Pháp đạt 75% so với thời điểm trước dịch.

Hai tháng đầu năm 2024, các thị trường châu Âu tiếp tục tăng trưởng sôi động so với cùng kỳ năm 2023, tiêu biểu là du khách đến từ Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Nga, Đan Mạch, Thuỵ Điển…

Những thị trường này nằm trong nhóm được hưởng chính sách thị thực mới áp dụng từ 15-8-2023, trong đó thời hạn tạm trú đã được nâng từ 15 ngày lên 45 ngày.

Theo Trung tâm Thông tin du lịch

Quay lại