HỘI THẢO PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC VÀ NÂNG CAO THỰC THI PHÁP LUẬT VỀ DU LỊCH TẠI ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

20-09-2024

Vào sáng ngày 20/9/2024 tại khách sạn Mường Thanh, TP Cần Thơ, Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long phối hợp với Báo Công lý tổ chức Hội thảo "Phát triển nguồn nhân lực và nâng cao thực thi pháp luật về du lịch tại ĐBSCL".

quang cảnh hội thảo

Tại Hội thảo có các không gian trưng bày, giới thiệu hình ảnh, thông tin du lịch, các sản phẩm, dịch vụ du lịch, tour tuyến, điểm đến các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL.

Hội thảo gồm 2 chuyên đề chính. Chuyên đề 1: Phát triển nguồn nhân lực về du lịch khu vực ĐBSCL; Chuyên đề 2: Nâng cao thực thi pháp luật trong ngành du lịch khu vực ĐBSCL. Từng chuyên đề có các tham luận và thảo luận và đến nay, Ban tổ chức đã tiếp nhận 22 bài viết của các nhà khoa học, chuyên gia du lịch, các nhà quản lý, doanh nghiệp du lịch và các trường đại học, cao đẳng du lịch ở ĐBSCL.

Hội thảo có sự tham gia của đại diện Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, UBND, Lãnh đạo các Sở quản lý du lịch các địa phương,lãnh đạo TAND các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL. Đặc biệt có các nhà khoa học, các chuyên gia du lịch; đại diện doanh nghiệp du lịch, các điểm du lịch tiêu biểu của ĐBSCL; các trường có khoa, ngành đào tạo về du lịch…

Phát triển nguồn nhân lực về du lịch khu vực ĐBSCL

Hiện nay có nhiều cách hiểu khác nhau về nguồn nhân lực du lịch chất lượng. Nếu theo cách tiếp cận định tính thì nguồn nhân lực du lịch chất lượng là một bộ phận cốt lõi của nguồn nhân lực du lịch, có khả năng đáp ứng những yêu cầu phức tạp của công việc trong hoạt động du lịch, từ đó tạo ra năng suất và hiệu quả cao trong công việc, có những đóng góp đáng kể cho sự tăng trưởng và phát triển của doanh nghiệp du lịch nói riêng và cho quốc gia, vùng, các địa phương nói chung, cùng lôi kéo cộng đồng và toàn xã hội vào sự nghiệp phát triển du lịch đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội.

Thông qua bài phát biểu của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, có thể biết hiện nay cả nước có trên 1,3 triệu lao động du lịch, chiếm khoảng 2,5% tổng lao động cả nước và chỉ 42% được đào tạo về du lịch, 38% được đào tạo từ các ngành khác chuyển sang và khoảng 20% chưa qua đào tạo chính quy mà chỉ được huấn luyện tại chỗ, trong đó vùng ĐBSCL tổng lao động du lịch chiếm khoảng 150 nghìn người, với số lượng lao động chưa qua đào tạo chiếm khoảng 51%, lao động có trình độ đại học và sau đại học chiếm tỷ lệ không đáng kể khoảng 8%.

Từ số liệu trên có thể thấy vùng ĐBSCL số lao động du lịch có chuyên môn, kỹ năng cao, chất lượng vừa thiếu vừa yếu nhưng số lượng chưa đáp ứng yêu cầu lại dư thừa. Không những thế, theo báo cáo thì ngoài vấn đề chuyên môn du lịch thì một trong những khó khăn của ngành du lịch hiện nay là thiếu nguồn nhân lực đáp ứng đủ yêu cầu ngoại ngữ và công nghệ thông tin, dẫn đến làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ du lịch tại ĐBSCL.

Cũng trong bài báo cáo Viện nghiên cứu đã đưa ra một số giải pháp nhằm cải thiện và phát triển nguồn nhân lực du lịch tại ĐBSCL:

- Đầu tiên, phải nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng chuẩn đầu ra về nhân lực du lịch.

- Tiếp theo, cần phải tăng cường liên kết giữa các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và địa phương trong và ngoài vùng về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch.

- Kế đến, là có cơ chế, chính sách phù hợp trong phát triển NNLDLCL.

- Cuối cùng là phải phát triển nguồn nhân lực du lịch theo hướng bền vững.

Nâng cao thực thi pháp luật trong ngành du lịch khu vực ĐBSCL

Những năm qua, hoạt đông du lịch tại ĐBCSL diễn ra rất sôi nổi. Tuy nhiên, mặc dù đã có nhiều nỗ lực cố gắng trong việc đưa ra các giải pháp để đưa du lịch ĐBSCL phát triển mạnh mẽ hơn nhưng ngành du lịch ĐBSCL vẫn còn gặp nhiều hạn chế, khó khăn và phát triển chưa tương xứng với tiềm năng du lịch mà thiên nhiên đã ban tặng.

Qua bài phát biểu của Thẩm phán Thái Rết, Tỉnh ủy viên, Bí thư Ban Cán sự đảng Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Sóc Trăng, có thể thấy một trong những nguyên dân dẫn đến du lịch ĐBSCL phát triển chưa đột phá là do các địa phương chưa nâng cao tầm quan trọng vài trò của việc thực thi pháp luật về du lịch. Kế đến là mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ du lịch và các doanh nghiệp du lịch còn chưa tương xứng và chưa đủ sức răn đe dẫn đến việc một số tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ du lịch và các doanh nghiệp du lịch thực hiện chưa nghiêm các quy định về du lịch. Không những thế, công tác thanh tra, kiểm tra và phối hợp thanh tra, kiểm tra ở một số nơi chưa được tổ chức, triển khai thực hiện thường xuyên, xuyên suốt, không bám sát thực tiễn phát sinh

Những khó khăn và hạn chế nêu trên đã làm ngành du lịch ĐBSCL không thể phát triển một cách bền vững.