Du lịch 2020 lao đao vì Covid-19
Ngay từ những ngày đầu năm 2020, Việt Nam hồ hởi đón chào khách du lịch quốc tế với sự tự tin và quyết tâm tạo nên những dấu mốc ấn tượng trong năm cuối cùng thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016-2020. Ngành Du lịch kỳ vọng sẽ đón tiếp khoảng 20 triệu lượt khách quốc tế trong năm. Lần đầu tiên Việt Nam đón lượng khách quốc tế kỷ lục trong tháng 1/2020 với hai triệu lượt khách .
Tuy nhiên đến cuối tháng Hai, dịch Covid-19 bùng phát trên thế giới đã ngay lập tức ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động du lịch. Từ tháng Ba đến hết năm 2020, Việt Nam không mở cửa du lịch quốc tế, ngành Du lịch đối mặt với những khó khăn chưa từng xảy ra trước đó. Số lượt khách quốc tế đến Việt Nam cả năm 2020 chỉ đạt 3,8 triệu lượt người, giảm 78,7% so với năm trước, trong đó hơn 96% là khách quốc tế đến trong quý I/2020; từ quý II đến nay chủ yếu là các chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài làm việc tại các dự án ở Việt Nam.
Ở trong nước, mặc dù dịch Covid-19 nhanh chóng được kiểm soát tốt, du lịch nội địa vẫn hoạt động nhưng liên tục bị gián đoạn bởi các đợt giãn cách xã hội khi dịch bùng phát. Các doanh nghiệp ngành Du lịch, lữ hành điêu đứng, nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động; các khách sạn phải đóng cửa. Hoạt động du lịch bị đình trệ đã dẫn tới doanh thu du lịch lữ hành năm 2020 ước tính chỉ đạt 17,9 nghìn tỷ đồng, giảm 59,5% so với năm trước.
Nhiều địa phương có doanh thu du lịch lữ hành năm 2020 giảm mạnh như: Khánh Hòa giảm 85,1%; Quảng Nam giảm 78,7%; thành phố Hồ Chí Minh giảm 76,7%; Đà Nẵng giảm 73,3%; Bà Rịa – Vũng Tàu giảm 64,3%; Bình Dương giảm 60,1%; Quảng Bình giảm 58,2%; Cần Thơ giảm 55,3%; Hà Nội giảm 48,4%; Bình Định giảm 40,1%. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống năm nay ước tính cũng chỉ đạt 510,4 nghìn tỷ đồng, giảm 13% so với năm trước.
Những khó khăn chồng chất đã buộc ngành Du lịch phải chuyển hướng tập trung khai thác và phát triển du lịch nội địa, nhờ đó trở thành giải pháp cứu cánh cho doanh nghiệp lữ hành tồn tại trong giai đoạn dịch bệnh. Ngành Du lịch đã 2 lần phát động Chương trình kích cầu du lịch nội địa; lần thứ nhất vào tháng 5/2020 với chủ đề “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam và lần thứ hai vào tháng 9/2020 với chủ đề “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”. Chương trình kích cầu du lịch nhận được sự hưởng ứng tích cực của các địa phương, doanh nghiệp và người dân. Việc kích cầu du lịch nội địa đã tạo ra xu hướng chuyển dịch mới, lan tỏa cảm hứng khám phá Việt Nam an toàn và hấp dẫn, đem lại những đóng góp thiết thực cho quá trình khôi phục kinh tế : Nhiều khách du lịch trong nước lần đầu tiên được trải nghiệm, khám phá các điểm du lịch hàng đầu và nhiều địa điểm chưa được biết đến của Việt Nam chỉ với mức chi phí trung bình khá; các cơ sở vui chơi giải trí, các hoạt động mua sắm đều được kích hoạt; các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành hoạt động trở lại, từ đó giải quyết công ăn việc làm cho một lượng nhất định người lao động… Mặc dù sự hồi sinh của du lịch trong nước có thể chưa đủ để thúc đẩy hoạt động của toàn bộ ngành du lịch nhưng nó có thể giữ chân các doanh nghiệp nhỏ hoạt động và kích thích nền kinh tế địa phương, làm giảm tác động tiêu cực của dịch bệnh tới nền kinh tế nói chung cho đến khi du lịch quốc tế hoạt động trở lại.
Du lịch Việt Nam trong thời kỳ dịch Covid-19 đã bộc lộ nhiều điểm yếu và hạn chế cần giải quyết, qua đó cho chúng ta thấy những bài học đắt giá trong phát triển du lịch. Dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, thời điểm kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh trên toàn cầu chưa được xác định. Trong bối cảnh này cũng như định hướng phát triển những năm tiếp theo, ngành du lịch Việt Nam cần tập trung vào một số vấn đề như: Cơ cấu lại thị trường khách du lịch theo hướng bền vững, hiệu quả nhằm vào thị trường khách chất lượng cao, lưu trú dài ngày, chi tiêu cao; phát triển sản phẩm, dịch vụ mới, liên kết đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm phù hợp với từng phân đoạn thị trường; đẩy mạnh hợp tác công tư, liên kết vùng giữa các địa phương, điểm đến trong hợp tác phát triển du lịch; chuyển đổi số trong phát triển du lịch, nhất là trong quản lý, kinh doanh, trong nghiên cứu thị trường, trong tiếp thị và bán sản phẩm du lịch.
Nguồn: Tổng cục thống kê
Quay lại